Lô CN14, Ô số 3 và 5, đường D1, khu công nghiệp Sóng Thần 3, Phường Phú Tân, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương, Việt Nam
02743815959
vi
2022-11-01
Hiệu quả từ những khu công nghiệp ở Bình Dương

Huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đã giúp tỉnh Bình Dương có số lượng và chất lượng KCN đứng đầu cả nước. Các KCN này đã phát huy công năng, giúp tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước rất hiệu quả, tạo đòn bẩy đưa Bình Dương phát triển nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo.

Công nhân KCN Việt Nam – Singapore 1 vào ca.
Công nhân KCN Việt Nam – Singapore 1 vào ca.
Thành quả 25 năm phát triển

Tính từ lúc KCN đầu tiên của Bình Dương là Sóng Thần 1 được hình thành từ năm 1995; tiếp đó là các KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), Đồng An, Mỹ Phước, Bàu Bàng… ra đời, đến nay sau 25 năm hình thành và phát triển, tỉnh Bình Dương đã có 31 KCN với tổng diện tích 12.721 ha; trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021 ha. Theo Ban Quản lý các KCN Bình Dương, đến hết tháng 10-2020, các KCN của tỉnh đã thu hút 2.926 dự án, bao gồm 654 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 72.498 tỷ đồng và 2.272 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 24 tỷ USD, chiếm gần 69% trên tổng nguồn vốn hơn 35 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Nguồn lực này đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại tỉnh phát triển nhanh trong thời gian qua. Hiện, các KCN đã tạo việc làm cho 472.461 lao động trong các doanh nghiệp (DN), trong đó 87% là lao động ngoài tỉnh. Hằng năm, các DN trong KCN đạt doanh thu khoảng 32,5 tỷ USD và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 719 triệu USD. 

Nhìn chung các KCN đang hoạt động tại Bình Dương có cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu của DN và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nguồn FDI. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương đều chọn lựa vào các KCN tập trung, như: Dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics do Tập đoàn Sun-S (Nhật Bản) đầu tư 450 triệu USD tại KCN VSIP 1, dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử Công ty TNHH Saigon Stec do Công ty TNHH Sharp Takaya (Nhật Bản) đầu tư 340 triệu USD tại KCN VSIP 2, Công ty Tetra Pak (Thụy Điển) đầu tư nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng 120 triệu Euro tại KCN VSIP 2; Công ty TNHH Nội thất Lacouer Craft Việt Nam (Hồng Công, Trung Quốc) đầu tư hơn 98 triệu USD tại KCN Bàu Bàng mở rộng để sản xuất đồ nội thất; đầu tư vào KCN Bàu Bàng có dự án sản xuất sợi lốp ô-tô với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD của Tập đoàn Kolon Industries (Hàn Quốc), Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam đầu tư chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt - nhuộm với vốn hơn 274 triệu USD, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư hơn 179 triệu USD sản xuất các loại sợi và vải…

Ngay trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực nhưng các KCN vẫn thu hút nhiều dự án, trong mười tháng đầu năm đã có 950 triệu USD vốn FDI đầu tư vào các KCN, trong đó có nhiều dự án lớn. Dưới góc nhìn của DN, ông Kim Won Sik, Chủ tịch Chi hội DN đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương cho biết, bên cạnh môi trường đầu tư thuận lợi, các KCN ở Bình Dương đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư với hệ thống hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối các KCN ra bên ngoài và kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của DN vận chuyển thông suốt, nhanh chóng. Đánh giá cao hạ tầng KCN tại Bình Dương, trong lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương gần đây, đại diện Tập đoàn Kolon cho rằng tập đoàn đang dự tính mở rộng nhà máy sản xuất tại tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Theo UBND tỉnh Bình Dương, các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá nhanh chóng, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo. Các KCN thật sự là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho NSNN, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Thông qua KCN, nhiều công nghệ sản xuất mới được nhập vào tỉnh như sản xuất thiết bị, máy móc, phụ tùng ô-tô, điện thoại, linh kiện điện tử, dược phẩm… Nhờ đó, hàng nghìn sản phẩm mới với chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đã ra đời, được xuất khẩu đi nhiều nước. 

Giải pháp phát triển bền vững

Kinh nghiệm từ thực tiễn của Bình Dương trong phát triển KCN là tạo sự đồng thuận, bảo đảm hài hòa về lợi ích trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Quá trình làm KCN, việc quy hoạch được tỉnh tính toán kỹ trên phương diện hiệu quả kinh tế, kết hợp hài hòa với các yếu tố xã hội, bảo đảm được đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng bị giải tỏa phải tốt hơn so với trước khi làm KCN. Thông qua việc xây dựng các khu tái định cư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trước, chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân địa phương bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp, đào tạo nghề cụ thể cho con em người dân vùng giải tỏa; đồng thời nhờ việc làm mà KCN tạo ra, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển lĩnh vực dịch vụ như cho thuê nhà trọ, buôn bán… Nhiều KCN bảo đảm về quyền lợi, đời sống ổn định và việc làm lâu dài cho người dân sau giải tỏa được xây dựng, định hướng, công bố và triển khai mạch lạc, rõ ràng với sự đóng góp tích cực của người dân. Người dân nhận thấy việc phát triển công nghiệp càng nhanh thì đời sống ngày càng được nâng cấp, quan niệm “bị quy hoạch” dần chuyển sang “được quy hoạch”, nguyện vọng đóng góp và tham gia thực hiện phát triển công nghiệp ngày càng cao. Nhờ vậy, công tác giải tỏa, đền bù diễn ra thuận lợi và nhanh chóng giúp các KCN sớm hoàn thiện.

Hiệu quả từ những khu công nghiệp ở Bình Dương -0
Một góc KCN Việt Nam – Singapore 1 tại Bình Dương. 

Bên cạnh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn mực hạ tầng cơ sở của các KCN tại Bình Dương luôn bảo đảm chất lượng để hấp dẫn nhà đầu tư. Cùng với quy tắc “một cửa”, những tiện ích phục vụ cho nhu cầu của DN luôn được chú trọng và đáp ứng tối đa như hải quan, viễn thông - đường truyền internet tốc độ cao, trung tâm kho vận, trung tâm y tế, ngân hàng… Điều này đã gây dựng thành công thương hiệu KCN của Bình Dương, góp phần lớn trong việc chuyển đổi Bình Dương từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp lớn trước đây trở thành tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, các KCN đã giúp kinh tế của tỉnh phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp - dịch vụ với tỷ lệ chiếm 89,31% trong cơ cấu kinh tế; giúp kinh tế của tỉnh phát triển theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng. Các KCN đã thu hút hiệu quả vốn FDI đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án đầu tư trong KCN đa số là các dự án được chọn lựa từ những tập đoàn lớn, những DN có trình độ khoa học công nghệ cao, những DN tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng tốt, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, điều này rất phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Để các KCN phát triển căn cơ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cũng cho rằng, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy phương châm “hạ tầng đi trước và đón đầu”, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; tiếp tục phát triển các KCN - dịch vụ - đô thị; hình thành KCN khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng các KCN phía nam, di dời các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân ở các KCN; đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sống và sinh hoạt của người lao động nhằm phục vụ sự phát triển bền vững và lâu dài của các KCN. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các DN đến đầu tư hiệu quả.